Hàng loạt thông tin khuyến cáo sử dụng bao bì nhựa có khả năng gây ung thư. Điều này có thật sự đúng hay không?
Bao bì thực phẩm bằng chất liệu nhựa với đủ các dạng thể hiện: thùng, hộp, bình, khay, rổ, túi, màng, ống là những sản phẩm thông dụng trong cuộc sống hàng ngày. Trước thông tin nên sử dụng bao bì giấy để đựng thực phẩm vì sử dụng bao bì bằng nhựa có khả năng gây ung thư, không ít người băn khoăn khi chọn lựa và sử dụng.
PGS-TS Hồ Sơn Lâm, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng TP.HCM, cho biết: Sử dụng polymer truyền thống như PET, HDPE, PVC, LDPE, PP, PS để làm bao bì cho thực phẩm đã được áp dụng từ lâu. Sử dụng các vật liệu này để bao gói thực phẩm trong điều kiện bình thường và thời gian không dài thì không gây hại cho sức khỏe.
Mỗi một loại nhựa có những tính chất khác nhau và sử dụng cho những mục đích khác nhau. Điều quan trọng là các nhà sản xuất có sử dụng nhựa chính phẩm không. Các công đoạn vệ sinh khi cho sản phẩm vào bao gói có đảm bảo quy trình không. Sản phẩm có đảm bảo chất lượng không...
Như vậy, bao bì chỉ mới là một phần của những nguyên nhân gây độc hại (nếu có). Theo TS Hồ Sơn Lâm, ở Việt Nam, các loại nhựa đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, nên người sản xuất thường phải đảm bảo các tiêu chuẩn để phù hợp với công nghệ.
Nhìn chung, các loại nhựa làm bao gói, chai nước... được sản xuất ở các công ty hay xí nghiệp có công nghệ hiện đại và nguyên liệu nhập thì không đáng lo. Chỉ những sản phẩm nhựa tái sinh hoặc không rõ xuất xứ mới thực sự nguy hiểm, vì thường không đảm bảo các yêu cầu của nhựa bao gói.
PGS-TS Đống Thị Anh Đào, Bộ môn công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: Rất khó để nhận biết chất lượng của các bao bì nhựa hiện đang được người bán sử dụng để bao gói thực phẩm, nhất là những thực phẩm ăn sẵn. Nhiều loại bao bì được làm từ nhựa tái sinh, được pha trộn từ nhiều loại nhựa khác nhau, thậm chí pha thêm hóa chất, thì chỉ khi được đưa vào phòng thí nghiệm phân tích mới có thể biết thành phần của chúng.
Do vậy, để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng chỉ nên chọn và sử dụng những sản phẩm bao gói có đóng dấu những loại nhựa sau: PET, HDPE, PVC, LDPE, PP, PS, đồng thời có nguồn gốc rõ ràng, có thương hiệu của nhà sản xuất. Không sử dụng những bao bì nhựa có màu sắc sặc sỡ để bao gói thực phẩm.
Bao gì giấy cũng được sử dụng nhiều để bao gói đa dạng thực phẩm: từ thực phẩm khô như ngũ cốc, bánh mì, bánh nướng, trà, cà phê, đường, bột; đến thực phẩm đông lạnh, thực phẩm bảo quản lạnh, kem lạnh; thực phẩm lỏng như nước giải khát (nước trái cây, sữa và sản phẩm sữa); chocolate và kẹo; thức ăn nhanh; sản phẩm tươi (rau quả, thịt, cá). Gần đây, nhằm bảo vệ môi trường, người ta khuyến khích người tiêu dùng sử dụng bao bì bằng giấy để đựng thực phẩm.
Tuy nhiên, vì có tính dễ thấm, dễ rách, dễ phân hủy nên bao bì làm hoàn toàn từ giấy chỉ bao gói được một vài loại thực phẩm và sử dụng trong thời gian rất ngắn. “Đối với thực phẩm như thịt, rau, quả (đã qua sơ chế...) bao bì giấy chưa chắc đã tốt. Xuất xứ của giấy và công nghệ làm ra giấy, phương pháp bảo quản giấy... là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm”, TS Hồ Sơn Lâm nói.
Trên thực tế, để tăng tính chống thấm, chống rách cho bao bì giấy, nhà sản xuất đã phủ và tráng lên bề mặt giấy bằng chính các chất tạo ra bao bì nhựa như PE, PP, PET, hoặc màng nhôm, sáp. Khi đó nó lại mang một phần tính chất của bao bì nhựa. Nếu có sử dụng giấy để bao gói thực phẩm ăn sẵn, cần tránh loại giấy nhuộm màu, có in chữ.
TS Hồ Sơn Lâm lưu ý, nếu muốn sử dụng túi ni lông để gói đồ cấp đông, bạn hãy rửa sạch, tiệt trùng, lau khô trước khi sử dụng. Không nên lạm dụng đồ nhựa để đựng các thức ăn nóng, hay dùng để đựng nước lâu ngày mà không vệ sinh. Các loại túi ni lông và nhựa có màu thường là sản phẩm đã tái sinh, hãy cẩn thận khi dùng chúng và tốt nhất là không dùng cho thực phẩm.
Hiện nay trên thị trường còn có các loại màng bằng nhôm để bao gói thực phẩm đều tốt, nhưng trên bề mặt chúng có sạch hay không, cần kiểm tra trước khi dùng.
(Tổng hợp)